Hiển thị các bài đăng có nhãn Sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sức khỏe. Hiển thị tất cả bài đăng

Trị ho cho trẻ bằng những bài thuốc dân gian




Tỏi và mật ong

Nghệ tươi và đường phèn, Tỏi và mật ong đều là những thực phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng, trị dứt điểm cơn ho rất hiệu quả. Khi trẻ ho, mẹ chỉ cần lấy 3 múi tỏi tươi, bóc vỏ, giã nhỏ, trộn với 2 thìa cà phê mật ong, đem hấp cách thủy khoảng 5 phút, sau đó lọc lấy nước cho trẻ uống. Ngày uống 3 lần, chỉ sau 3 ngày cơn ho của trẻ sẽ dứt hẳn.

Nghệ tươi cũng là thực phẩm có khả năng tăng sức đề kháng, kiểm soát, kiềm chế và điều trị bệnh ho cho trẻ rất hiệu quả. Vì vậy, khi trẻ ho, các bà mẹ chỉ cần láy 1 củ nghệ tươi nhỏ, gọt vỏ, rửa sạch, giã nhỏ, trộn với 1 thìa nhỏ đường phèn giã vụn đem hấp cách thủy khoảng 10 phút, sau đó lọc lấy nước cho trẻ uống ngày 3 lần đến khi hết bệnh nhé.

Củ cải trắng kết hợp mật ong

Không chỉ là thực phẩm quen thuộc trong việc chế biến các món ăn hàng ngày, củ cải trắng còn có khả năng trị ho cho trẻ rất hiệu quả. Lấy 50g củ cải trắng, rửa sạch, xay nhỏ, trộn với 5 thìa mật ong rồi đem hấp cách thủy 10 phút, sau đó lọc lấy nước cho trẻ uống cả ngày. Uống đều đặn từ 3-5 ngày cơn ho sẽ giảm dần và khỏi hẳn.

Chanh tươi và mật ong

Bên cạnh việc sử dụng nước chanh ấm pha cùng mật ong cho trẻ uống hàng ngày, mẹ cũng nên cắt chanh tươi thành từng lát mỏng, ngâm với mật ong và một ít muối hạt trong 20 phút sau đó cho trẻ ngậm hàng ngày sẽ phát huy tác dụng tăng sức đề kháng, trị ho cho trẻ rất tốt.

Trị ho bằng cam nướng
Cam có nhiều vitamin C, tăng sức đề kháng cho trẻ nhỏ. Vì vậy, khi trẻ ho, các mẹ chỉ cần cho cam vào lò nướng, vặn chế độ 10 phút. Sau đó lấy ra, để nguội bớt rồi bóc cả vỏ cả múi cho bé ăn.Không nhũng có thể chữa dứt cơn ho, nhiều bé còn rất thích ăn cam nướng. Cho bé ăn một ít 2,3 lần cam nướng mỗi ngày sẽ giúp trẻ mau khỏi bệnh.

Phòng bệnh cho trẻ khi trời nắng đột ngột thế nào?


Khi thời tiết chuyển mùa, trời đang lạnh bỗng đột ngột nắng nóng làm trẻ em có hệ miễn dịch yếu dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, sổ mũi, cảm cúm…

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, BV Bạch Mai), với kiểu thời tiết này, các bệnh trẻ hay mắc là viêm mũi dị ứng (có thể biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan), cảm cúm (rất dễ lây lan khi trời từ lạnh sang nóng, hoặc ngược lại), viêm phế quản (dễ chuyển biến thành nhiễm trùng thứ cấp)…
Đau họng
Bệnh do một loại vi khuẩn gây ra, khiến trẻ nhỏ sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn, thậm chí bị nôn. Nếu trẻ bị sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy dãi nhiều thì nên đưa đi khám. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi cần đưa đi khám ngay khi trẻ có dấu hiệu bị sốt (vì 38,3 độ C độ tuổi này đã là nghiêm trọng). Trẻ trên 6 tháng tuổi sốt 39 độ C thì cần cảnh báo.
Nếu trẻ bị đau cả khoang miệng cần khám sớm, nhất là khi thấy các bất thường như sưng (tấy) đỏ, trẻ không thể mở to miệng vì đau, hơi thở khó nhọc; kém bú (ăn) và quấy khóc liên tục.
Chăm sóc và phòng tránh
- Nếu đau họng nhẹ bác sĩ sẽ cho uống thuốc. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh. Dù ở thể nặng, hay nhẹ cha mẹ cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt dùng thuốc, không bỏ thuốc giữa chừng vi khuẩn sẽ tấn công trở lại khiến họng của trẻ bị đau trầm trọng hơn.
-Cho trẻ nghỉ ngơi, chăm sóc bằng những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Viêm mũi dị ứng
Triệu chứng viêm mũi dị ứng biểu hiện là trẻ ngứa, giụi mũi, hắt hơi nhiều, sổ mũi (nước mũi trong hoặc có đờm), có thể bị nghẹt mũi. Nếu nặng hơn trẻ có thể bị khó thở, ù tai. Bệnh nhanh chuyển nặng và có thể gây biến chứng thành hen phế quản, hen suyễn, viêm amidan ở bé.
Chăm sóc, phòng tránh
-Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, dạy trẻ cởi bớt áo để không bị nóng quá lúc trời ấm lên.
-Dạy trẻ đánh răng 2 lần/ngày khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
-Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
Cảm cúm
Trẻ nhỏ thể trạng yếu, lại hay được ôm ấp, vuốt ve nên rất dễ bị lây bệnh, nhất là khi thời tiết lạnh đột ngột chuyển sang nắng nóng. Biểu hiện là trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Nếu kèm theo sốt cao thì đưa trẻ đi khám ngay kẻo bị biến chứng nguy hiểm đường hô hấp.
Chăm sóc và phòng bệnh
-Giữ ấm cho trẻ, nhất là cổ, tay, chân.
-Đảm bảo trẻ ngủ ngon, đủ giấc trong môi trường thoáng gió và thoải mái. Luôn giữ không khí trong nhà luôn thoáng mát, không ẩm mốc.
-Cho trẻ ăn nhiều hoa quả có vitaminC, rau nhiều chất xơ…
-Trẻ sơ sinh cần cho bú sữa mẹ. Trẻ bắt đầu ăn dặm được thì nên bổ sung nhiều rau, hoa quả và cho trẻ ăn chín.

Hình ảnh bị trẻ bị viêm phế quản.
Viêm phế quản
Biểu hiện viêm phế quản là trẻ khó thở, hơi thở nặng nhọc, giọng khò khè, ho nhiều và xuất hiện đờm. Khi thấy đờm chuyển màu vàng trắng là phế quản đã bị nhiễm trùng thứ cấp. Lúc trẻ bị nhiễm trùng thứ cấp người lớn không nên làm trẻ bị cáu kỉnh, vì trẻ càng cáu, càng hét to thì việc hô hấp sẽ càng gặp khó khăn và có thể làm trẻ gặp nguy hiểm.
Chăm sóc, phòng bệnh
Trẻ bị viêm phế quản ăn uống kém, hệ tiêu hóa không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng. Vì thế cần nấu các món ăn lỏng để trẻ tiêu hóa dễ hơn. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ cho trẻ dễ ăn.
Nếu trẻ có nhiều đờm, hãy giục trẻ nhổ hết ra ngoài, không nuốt. Dặn trẻ nằm nghiêng, gối cao hơn bình thường cho dễ thở và đào thải các chất nhầy trong cơ thể.
-Nếu trẻ sốt cao hãy hạ sốt ngay, tuyệt đối không sốt quá 38,5 độ.
-Cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Để trẻ nằm phòng thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
Người lớn đặc biệt chú ý: Khi trong nhà có trẻ bị viêm phế quản thì tuyệt đối không được hút thuốc vì rất bất lợi cho việc chữa trị.

Trẻ sốt cần theo dõi liên tục, nếu quá 37,5 độ C cần giảm thân nhiệt.
Viêm đường hô hấp trên, dưới
Nguy hiểm nhất là viêm đường hô hấp cấp tính do virus, vì bệnh này khởi phát rầm rộ, dễ biến chứng nguy hiểm, nếu không có phác đồ điều trị kịp thời dễ để lại những biết chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của trẻ sau này.
Viêm đường hô hấp là một tổ hợp bệnh gồm: cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản.
Biểu hiện thường rầm rộ: Sốt cao và thành cơn 39 độ C trở lên, ho, khó thở (nhất là khi viêm thanh quản và bị là rất nặng, trẻ thở rít, khò khè…), sổ mũi, chảy nước mũi, chảy dịch mũi nhiều, trong, loãng, không có mủ và không hôi. Dịch mũi làm lan truyền mầm bệnh, lây từ đường hô hấp trên xuống đường hô hấp dưới. Ho thành cơn, ho khan, ho có đờm… Ho cũng là biểu hiện đầu và cuối cùng báo hiệu chấm dứt hoàn toàn đợt viêm nhiễm. Nếu không kiểm soát tốt ho làm trẻ mệt, mất ngủ, nôn trớ…
Nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa con đi khám ngay vì bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ rất dễ dẫn đến viêm xuống phế quản hoặc viêm phổi.
Chăm sóc, phòng bệnh
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh kiêng cữ thái quá.
-Bổ sung cho trẻ ăn uống giàu dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, uống nhiều nước hoa quả, ăn thêm bữa khi trẻ lành bệnh để bổ sung lượng dinh dưỡng thiếu hụt.
-Có thể dùng những thuốc hạ sốt thông thường, kết hợp với dùng nước ấm lau mát để hạ sốt cho trẻ.
-Với trẻ quá bé dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm thông mũi trước khi cho ăn, cho bú. Những bài thuốc dễ kiếm như hoa hồng bạch trưng đường phèn, húng chanh hấp mật ong, thuốc ho thảo dược… giúp làm dịu cơn ho.
Khi nào đưa trẻ đi viện?
-Khi trẻ sốt quá 37,5 độ C cần giảm thân nhiệt bằng cách: Lau nước ấm (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ của trẻ khoảng 2 độ) ở trán, nách, bẹn và cần cho trẻ uống nhiều nước (cam, chanh tươi, dung dịch orezol… tùy tuổi).
-Nếu chưa thể đưa trẻ đi khám ngay, thân nhiệt không giảm có thể cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt Paracetamol (trung bình là 10 – 15mg/1kg cân nặng của trẻ/lần, cứ sau 4 giờ cho uống 1 lần).
Tốt nhất là dùng thuốc Paracetamol loại đầu đạn đặt vào hậu môn cho trẻ theo liều lượng: trẻ từ 1 – 4 tháng/tuổi dùng 80mg/lần, trẻ từ 5-24 tháng/tuổi dùng 150mg/lần và cũng sau 4 giờ đặt lại nếu thân nhiệt của trẻ chưa giảm xuống.
Trẻ dưới 3 tháng tuổi cần đưa đi khám ngay khi trẻ có dấu hiệu bị sốt, bởi độ tuổi này sốt 38,3 độ C đã là nghiêm trọng. Trẻ trên 6 tháng tuổi sốt ở mức 39 độ C thì cần cảnh báo.
-Theo dõi nhiệt độ liên tục mà thấy tăng nhiệt, trẻ mệt, quấy khóc, khó thở, môi tím tái, có thể nôn, buồn nôn, tiêu chảy… thì có thể trẻ đã mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, cần khẩn trương đưa trẻ đi bệnh viện sớm.
-Tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống.

7 triệu chứng của bé mẹ không thể coi thường


Bé sốt kéo dài, mọc nốt ruồi bất thường hay đau bụng đột ngột,… có thể là những dấu hiệu nguy hiểm, cần phải được đưa ngay tới bác sĩ để điều trị kịp thời.

1. Sốt cao
38 độ C trở lên với trẻ dưới 3 tháng tuổi, 38,5 độ C trở lên với trẻ từ 3-6 tháng tuổi hoặc 39,5 độ C với trẻ từ 6 tháng đến 2 năm tuổi cần phải được điều trị ngay. Có thể việc trẻ bị sốt là do virus thông thường gây ra nhưng vẫn cần có sự thăm khám của bác sĩ để chắc chắn. Nếu bệnh viện đã hết giờ làm việc, nên cho trẻ vào khoa cấp cứu luôn. Nếu trẻ đã trên 2 tuổi, sốt không phải là triệu chứng cấp bách nếu trẻ không bị mất nước và vẫn hoạt động bình thường. Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa về cách xử trí.
2. Sốt kéo dài
Nếu bạn đã cho bé uống thuốc hạ sốt mà thân nhiệt bé vẫn không giảm trong vòng từ 4-6 tiếng đồng hồ, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của việc nhiễm trùng quá mạnh và cơ thể không chống chọi được, cần có bác sĩ thăm khám toàn diện và đưa ra quyết định điều trị chính xác. Sốt do virus thông thường như cúm hoặc cảm sẽ biến mất sau 5 ngày. Nếu sốt kéo dài hơn, kể cả khi ở mức thấp (nhiệt độ chưa đến 38 độ C), rất có thể bé bị viêm phổi và cần điều trị bằng kháng sinh.
 7 triệu chứng của bé mẹ không thể coi thường - 1
Nếu bạn đã cho bé uống thuốc hạ sốt mà thân nhiệt bé vẫn không giảm trong vòng từ 4-6 tiếng đồng hồ, hãy gọi ngay cho bác sĩ. (Ảnh minh họa)
3. Sốt kèm theo đau đầu
Sốt đi kèm với trạng thái cứng ở cổ, phát ban, xuất hiện vết bầm tím hoặc vết đỏ li ti có thể là dấu hiệu của viêm màng não, cần đưa bé đến bệnh viện ngay nếu không sẽ rất nguy hiểm.
4. Nổi ban hình tròn
Nốt ban có quầng hoặc có những chấm đỏ li ti mà khi bạn ấn vào, những vết này không biến mất, hoặc vết bầm tím quá nhiều.
Nốt ban hình vòng với những chấm nhạt ở giữa có thể là dấu hiệu của bệnh Lyme. Cho bé đi khám ngay nếu bạn thấy những chấm nhỏ chỉ bằng đầu đinh dưới da bé, đây có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm. Bất cứ vết bầm tím không rõ nguyên nhân và lan rộng nào cũng có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn máu. Ngoài ra, nốt phát ban hơi sần lên có thể là do bé bị dị ứng. Nếu bé khó thở, kích động hoặc mê man thì cần đi gặp bác sĩ ngay.
5. Đau bụng bất ngờ
Nếu bé bị đau vùng bụng dưới bên phải, hãy thử bảo bé nhảy lên nhảy xuống, nếu bé nhăn nhó kêu đau đớn khi phải làm như vậy, rất có thể bé đã bị viêm ruột thừa.
Mặc dù đau ruột thừa ở vùng bụng dưới bên phải, cơn đau có thể bắt đầu từ giữa bụng sau đó mới lan ra bên phải.
Nếu là đau bụng do virus thông thường, bé thường sẽ sốt, sau đó nôn, rồi đau bụng và tiêu chảy. Nếu là đau ruột thừa, đôi khi là tiêu chảy, sau đó đau bụng, nôn mửa, đau đớn, rồi sau đó mới sốt.
Nếu bạn thấy những triệu chứng này, hãy gọi bác sĩ ngay – viêm ruột thừa tiến triển rất nhanh và điều trị sẽ hiệu quả nhất khi phát hiện sớm. Nếu bé dưới 4 tuổi và đau bụng khiến bé phải gập người lại trong khoảng một phút, rồi lại bình thường trong phút tiếp theo, thì có thể là dấu hiệu của bệnh lồng ruột, một tình trạng nghiêm trọng thường xảy ra ở trẻ nhỏ khi đoạn ruột này sa vào một đoạn ruột khác. Cơn đau kéo dài trong 20 – 60 phút và có thể kèm theo nôn, sốt, đi ngoài ra máu. Nếu gặp những dấu hiệu này, cần đưa bé thẳng đến bệnh viện.
6. Nốt ruồi bất thường
Là những nốt ruồi mới mọc hoặc thay đổi bất thường. Hãy ghi lại những nốt ruồi của bé vào sổ theo dõi, đặc biệt là những nốt ruồi từ khi bé sinh ra. Kiểm tra da của bé mỗi tháng một lần khi tắm cho bé để phát hiện kịp thời những nốt ruồi có hình dạng bất thường, đường nét không đều, màu sắc không đồng nhất hoặc bị to lên. Tất cả đều có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh ung thư da.
 7 triệu chứng của bé mẹ không thể coi thường - 2
Hãy thường xuyên kiểm tra da của bé khi tắm để phát hiện những nốt ruồi bất thường. (Ảnh minh họa)
7. Đau đầu kèm nôn mửa
Nếu bé đau đầu vào buổi sáng sớm hoặc giữa đêm hay kèm theo nôn mửa, có thể bé đã bị chứng đau nửa đầu. Đau nửa đầu ở trẻ em không nguy hiểm và thường là do di truyền từ gia đình. Tuy nhiên, đau đầu vào buổi sáng và nửa đêm có thể là dấu hiệu của bệnh nào đó nghiêm trọng hơn, đó là lí do vì sao bạn cần đưa bé đi khám ngay.

Những điều cần biết trước khi cho con đi tiêm phòng

Không phải cứ đến lịch, mẹ mang con đi chích là được đâu. Có những quy tắc mẹ cần nắm trước khi mang con đi tiêm chủng nhé!
Mẹ có biết lịch chích ngừa của bé?
Mẹ cần biết con mình đã chích những chủng ngừa nào rồi, đặc biệt khi các loại vacccin đang khan hiếm như hiện nay, mẹ cần phải nắm lịch chích ngừa của con và hiểu về quy tắc về thời điểm sớm nhất có thể chích (uống) vaccine đó và khoảng cách tối thiếu giữa 2 liều của cùng loại vaccine. Ví dụ vaccine bạch hầu- ho gà - uốn ván (các loại 5 hay 6 trong 1 chẳng hạn) thì chích liều đầu sớm nhất lúc 6 tuần tuổi, liều thứ 2 cách liều đầu tối thiểu 4 tuần. Nếu như bé trễ hẹn mũi chích kế tiếp (do bé bệnh không được chích đúng hẹn), thì bé cũng chỉ cần chích tiếp những liều còn lại chứ không cần phải nhắc lại từ mũi đầu tiên.
Có thể chích 2 liều vacccin cùng một lúc?
Câu trả lời là có thể. Khoảng cách tối thiểu ở trên chỉ áp dụng đối với cùng 1 loại vaccine. 2 hay nhiều loại vaccine sống dạng chích đều có thể chích cùng 1 lúc, nếu chích khác ngày thì phải cách nhau tối thiểu 4 tuần. Do đó, giữa 2 loại vaccine chết (loại vacxin mà vi khuẩn đã bị tiêu diệt) khác nhau (ví dụ viêm gan B, viêm gan A, bạch hầu, ho gà, Hib, não mô cầu), hay giữa 1 vaccine sống dạng chích và 1 vaccine chết thì không tính khoảng cách tối thiếu 4 tuần lễ. Chi tiết có thể hỏi bác sĩ của bạn thêm.
Trong 1 lần đi chích có thể tiêm ngừa bao nhiêu loại vacccin?
Bao nhiều vaccine cùng 1 lúc đều được, miễn là thỏa điều kiện tuổi tối thiểu được chích và khoảng cách tối thiểu. Lý do là hệ miễn dịch của bé có thể tiếp nhận đến 10000 kháng nguyên trong một thời điểm. Sự thật là tổng số vaccine hiện nay chưa bao giờ chiếm 1 phần nhỏ khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch của bé. Nhiều phụ huynh lo sợ rằng nếu con mình chích nhiều mũi vaccine cùng lúc sẽ không chịu nổi. Thực ra bé dư sức đáp ứng được miễn dịch. Hơn nữa, chích nhiều vaccine cùng lúc sẽ giúp cho bé được bảo vệ kịp thời nhiều loại bệnh truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vaccine, đỡ tốn thời gian (và tiền bạc) đi chích ngừa nhiều lần, cũng đỡ phải lỡ 1 loại vaccine nào đó vì đến kỳ đi chích mà vaccine đó lại “hết hàng”.
Mẹ cần đưa bé đi chích ngừa đầy đủ
Bé đang mệt có thể chích ngừa không?
Khi cho con đi chích, mẹ nhất thiết phải cho con khám và thông báo đầy đủ thông tin về sức khỏe của con cho bác sĩ biết, để bác sĩ quyết định con bạn có thể được chích hay không. Con bạn vẫn có thể chích ngừa được nếu:
Bé bị đau, đỏ, sưng sau khi chích bạch hầu - ho gà - uốn ván lần trước.
Bé bị sốt không quá 40,5 độ C sau khi chích bạch hầu - ho gà - uốn ván (loại vô bào) lần trước.
Bé bị những bệnh nhẹ như ho cảm, tiêu chảy mà không bị sốt.
Bé đang hồi phục từ những bệnh nhẹ như ho cảm hay tiêu chảy (tức là bé bớt sốt, mặc dù vẫn còn ho hay tiêu chảy).
Bé mới tiếp xúc với một bệnh nhiễm trùng gần đây.
Bé đang uống kháng sinh.
Bé đang bú mẹ.
Bé sanh non.
Bé bị những bệnh dị ứng như chàm, mề đay, suyễn, viêm mũi dị ứng, ... (không phải dị ứng nặng với trứng gà).
Khi nào mẹ không nên cho bé đi tiêm vaccin?
Nếu như trước đó bé dị ứng nặng với vaccine (sốc phản vệ) thì không được chích vaccine đó lần sau. Nếu bé bị co giật hay khóc thét liên tục trên 3 giờ sau khi chích vaccine ho gà thì cũng không nên chích tiếp ho gà. Nếu dị ứng nặng với trứng gà (sốc phản vệ) thì về mặt lý thuyết không nên chích vaccine cúm. Chính vì thế, các cơ sở y tế khuyến nghị cha mẹ nên cho bé ăn trứng gà trước khi đi tiêm tránh trường hợp nhiều phụ huynh bế con đi chích cúm phải ngậm ngùi bế con về do chưa được ăn trứng gà bao giờ.
Ngoài ra, không nên cho bé đi chích ngừa nếu: bé đang sốt; bé đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi v.v…); bé mới khỏi các bệnh trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức; bé đang bị viêm da mủ (bệnh ngoài da, có mủ), hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).
Trường hợp nào tuyệt đối không nên cho trẻ đi chích ngừa?
Nếu trẻ mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch màng phổi…, nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính v.v…) thì không được cho bé đi chích ngừa.
Không nên tiêm phòng lao cho trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.
Tránh tiêm phòng sởi cho bé đang bị bệnh bạch cầu (1 dạng ung thư máu), các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng.
Tránh tiêm phòng thương hàn cho trẻ bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong tình trạng dị ứng trầm trọng (như suyễn phế quản, v.v…).
Nếu không tuân thủ các quy tắc trên, bé sẽ bị nguy hại đến tính mạng.

10 cách đuổi muỗi không dùng hóa chất


Khi muốn tiêu diệt muỗi, bạn thường hay dùng vợt muỗi, đèn bắt muỗi, chai xịt côn trùng hay đốt nhang muỗi?

Trong những cách đó, hầu hết đều không tỏ ra hiệu quả lâu dài hoặc có thể còn ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của gia đình. Thay vào đó, hãy áp dụng những cách đuổi muỗi thân thiện với môi trường dưới đây:

Cây ngũ sắc

Đây là loại cây quen thuộc, mọc hoang rất nhiều ven đường, bãi đất trống (có nơi còn gọi là cây trư ni thảo, cây cỏ hôi). Ngũ sắc được coi là loại cây đuổi muỗi khá hữu hiệu, hay được dùng ở vùng nông thôn.

Cây hoa ngũ sắc có chứa nhóm hợp chất tự nhiên coumarin có tác dụng đuổi muỗi rất hiệu quả nên được sử dụng làm thành phần chính trong rất nhiều loại thuốc chống muỗi. Tuy nhiên, khi bị muỗi chích, không nên chà xát hoa ngũ sắc trực tiếp lên da vì nó có thể gây kích ứng da.

Húng lủi (bạc hà)

Ngoài tác dụng ngăn ngừa ong, gián, kiến đến gần nhà, chậu cây húng lủi còn là trợ thủ đắc lực của con người trong việc xua đuổi muỗi .

Nên trồng quanh nhà một vài bụi húng lủi để làm nhiệm vụ đuổi muỗi và các loại côn trùng gây khó chịu. Nếu nhà không trồng cây húng lủi, bạn có thể ra chợ mua một nắm húng lủi, vò nát, đặt trong góc nhà, nóc tủ, bệ cửa sổ… cũng có tác dụng ngăn muỗi trong 1-2 ngày.

Cây phong lữ

Phong lữ (phong lữ thảo) là loài cây cho hoa nhiều màu, đẹp và có mùi thơm quyến rũ. Tinh dầu hoa phong lữ chứa a-pinene, myrcene, limonene, menthone, linalool, geranyl acetate, citronellol, geraniol và geranyl butyrate, có tác dụng an thần, giảm stress nhưng lại là mùi mà muỗi cực ghét.

Bạn nên trồng trong sân, nhà vài chậu hoa phong lữ để trang trí nhà cửa và tận dụng luôn tác dụng đuổi muỗi cực đỉnh của nó loài hoa này.

Cây chân chim

Cây chân chim (hay còn có những tên gọi khác là ngũ gia bì chân chim, sâm nam, chân vịt).

Theo nghiên cứu của NASA (cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ), cây chân chim là loại cây có khả năng làm sạch không khí và có khả năng chống muỗi. Khi trồng chậu cây chân chim trong nhà, muỗi sẽ tự bay đi, không dám lảng vảng trong nhà nữa.

Vỏ cam, quýt

Sau khi ăn cam, quýt, bạn nên giữ lại vỏ, phơi khô, cất giữ để dùng xua muỗi khi cần đến.

Tinh dầu thơm trong vỏ cam, quýt rất hấp dẫn với con người, nhưng lại là thứ mà muỗi phải tránh xa. Để xua muỗi, chỉ cần dùng vài mẩu vỏ cam, quýt đã phơi khô đốt cháy trên lửa. Tuy cách này chỉ tác dụng trong thời gian ngắn, chừng một buổi, nhưng nó cũng giúp không gian nhà bạn có mùi thơm dễ chịu hơn.

Cúc vạn thọ

Mùi hương của bông và lá cây cúc vạn thọ là mùi mà muỗi rất không ưa. Trồng một vài chậu hoa cúc vạn thọ quanh nhà, ngoài vườn cũng là cách để hạn chế muỗi tấn công con người.

Hoa dạ hương

Nằm đầu bảng các loài hoa đuổi muỗi chính là hoa dạ hương. Một khóm hoa dạ hương ngoài vườn với mùi hương ngào ngạt vào ban đêm sẽ giúp nhà gần như không bao giờ có muỗi bén mảng tới.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý, hoa dạ hương có mùi rất nồng, nếu ngửi lâu với mùi hoa đậm đặc sẽ khiến bạn đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy, chỉ cần một bụi hoa nhỏ với 1, 2 cành hoa ngoài vườn là đủ để bảo vệ bạn khỏi muỗi.

Dầu tràm

Tinh dầu chiết xuất từ cây tràm cũng có thể là vệ sĩ giúp bạn đuổi muỗi. Nhỏ vài giọt dầu tràm vào bồn tắm, thoa dầu tràm lên quần áo, da… cũng hạn chế muỗi đến gần bạn.

Khi bị muỗi chích, hãy thoa một chút dầu tràm lên vết chích. Dầu tràm sẽ làm cho vết chích không ngứa, không sưng đỏ, không để lại sẹo thâm.

Cây hương thảo

Một trong những mùi mà muỗi không thích nữa đó chính là mùi tinh dầu của cây hương thảo. Nếu có điều kiện, bạn nên trồng vài chậu cây hương thảo, vừa làm cảnh, vừa làm sạch không khí, vừa có tác dụng xua đuổi muỗi.

Nếu không, bạn có thể dùng tinh dầu hương thảo. Thoa vài giọt dầu hương thảo lên gối, mền, quần áo cũng giúp cho muỗi không dám tới gần bạn.

Cây sả

Sả là loài cây cho tinh dầu thơm được dùng rất rộng rãi. Để giúp đuổi muỗi, rất nhiều gia đình đã trồng sả quanh nhà. Sả có hương thơm đặc biệt khiến cho muỗi không thể định hướng, không thể tìm được bạn ở đâu để chích.

Nếu không có đất để trồng sả, bạn có thể dùng tinh dầu chiết xuất từ cây sả. Hoặc cầu kỳ hơn, mua cây sả ở ngoài chợ về, sau đó cắm vào ly nước. Vài ngày sau, lá sả sẽ bật lên, bạn cũng sẽ có một bụi sả trong nhà để giúp xua muỗi.

Dấu hiệu 'ngã ngửa' trẻ thiếu canxi


Nếu trẻ bị vướng vào nhiều hơn 3 trong 9 dấu hiệu này, mẹ cần có kế hoạch bổ sung canxi ngay lập tức.
Thiếu canxi trẻ sẽ còi cọc, chậm lớn và đặc biệt rất khó cao. Nhưng làm thế nào để nhận ra con mình đang thiếu canxi? Xin mách mẹ 9 dấu hiệu đặc trưng này
1. Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không yên giấc
Nhiều bà mẹ mới sinh thường rơi vào trạng thái khủng hoảng, trầm cảm vì con cứ đến đêm và trở nên rất tỉnh táo, khó chấp nhận đi vào giấc ngủ dù mẹ đã nỗ lực hết sức để ru con. Một số thậm chí còn đau khổ hơn khi trẻ có thể thức một mạch từ 10 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Thông thường, khi con có biểu hiện khó ngủ, mất ngủ, đột nhiên thức tỉnh giữa đêm và quấy khóc liên tục, mẹ nên nghĩ đến khả năng trẻ bị thiếu canxi. Nỗi sợ hãi khi đêm xuống là một trong những đặc điểm đặc trưng nhất của những trẻ này.

2. Đổ mồ hôi đêm
Trẻ thiếu canxi hay đổ mồ hôi, ra mồ hôi trộm. Dấu hiệu rõ ràng nhất là thời gian sau khi ngủ dậy, đầu trẻ ướt sũng mồ hôi.
3. Tính tình bất thường
Trẻ thiếu canxi thường hay khó chịu, thích khóc, bồn chồn. Những bé này cũng có các biểu hiện tâm trạng không tốt như chán ăn, không quan tâm đến môi trường xung quanh,  chậm phát triển tâm lý
4. Chậm mọc răng, răng mọc không đều
Canxi chuyển hóa không tốt, thiếu canxi dẫn đến chậm mọc răng. Tuy nhiên răng mọc không đều cũng là dấu hiệu của trẻ bị thiếu canxi. Một số em bé khi đến tuổi mọc răng vẫn có răng như bình thường, tuy nhiên răng mọc lệch, so le, bố trí không đều khoảng cách giữa các răng, răng lỏng, sớm rụng cũng là biểu hiện thiếu hụt canxi ở trẻ.
5. Rụng tóc vành khăn
Thiếu canxi khiến bé dễ đổ mồ hôi và rụng tóc, nhất là phìa mặt sau của đầu, nơi tiếp xúc với gối. Rụng tóc vành khăn có thể là một dấu hiệu của phản ứng thiếu hụt canxi, tuy nhiên không hoàn toàn là như vậy.
 
6. Thóp liền quá muộn
Thời gian liền thóp thông thường từ 12-18 tháng. Tuy nhiên thiếu hụt canxi cũng sẽ khiến thóp liền muộn hơn khoảng thời gian này, tạo thành hộp sọ vuông.
7. Trẻ chậm phát triển, tập đi muộn, bị biến dạng xương và khớp
Hầu hết thiếu hụt canxi ở trẻ dưới 1 tuổi đều biểu hiện ở khu vực chân. Chân cong hình chữ O, chữ X, cơ bắp lỏng lẻo, yếu mềm. Do xương mềm, các bé này cũng tập lẫy, bò, đứng, đi rất muộn.
8. Hay viêm phổi
Cơ thể thiếu canxi sẽ dẫn đến trương lực cơ giảm. Cơ hô hấp kém hoạt động sẽ khiến trẻ dễ bị viêm phổi, viêm phế quản
9. Gân cơ bị kích thích quá đà
Trẻ thiếu canxi thường có biểu hiện tăng kích thích thần kinh cơ. Cơ thanh quản có thắt nhiều sẽ gây khó thở, cơ hoành co thắt gây nấc cụt, cơ dạ dày co thắt gây ọc sữa, cơ thành ruột và cơ bàng quang co thắt gây tiểu và tiểu són nhiều lần. 
Nếu trẻ có nhiều hơn 3 trong số 9 dấu hiệu trên, mẹ nên lưu ý bổ sung thêm canxi cho con. Sữa, sữa chua và các chế phẩm từ sữa luôn là nguồn canxi dồi dào và dễ hấp thụ nhất cho trẻ. Tuy nhiến nếu con không thích uống sữa, mẹ hoàn toàn có thể bổ sung cho bé bằng những thực phẩm khác như trứng hay đậu phụ. Đây là hai loại thực phẩm vừa giàu canxi lại cung cấp rất nhiều protein cho trẻ. Khi nấu canh sườn cho trẻ, mẹ cũng có thể cho vào canh một vài giọt dấm, cũng sẽ giúp thúc đẩy sự hấp thụ canxi tốt hơn.

Cách chữa tiêu chảy tại nhà cho bé hiệu quả

Tiêu chảy là một loại bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em. Sau đây là những cách chữa tiêu chảy tại nhà cho bé rất đơn giản mà vô cùng hiệu quả.
Cháo

Khi các bé bị tiêu chảy, cơ thể rất dễ bị mất nước, muối và các chất khoáng cần thiết. Vì thế các mẹ nên tăng cường nước cho cơ thể bé bằng cách cho bé ăn cháo. Không chỉ có tác dụng bù nước mà trong cháo còn có rất nhiều tinh bột, giúp cơ thể hấp thụ nước và các dưỡng chất nhanh hơn.
Cách nấu cháo
Hãy cho một nắm gạo trắng vào nồi nước khoảng 500 ml rồi đun sôi. Để bé dễ ăn hơn, bạn có thể thêm thịt ức gà, thịt lơn nạc vào cháo và nhớ thêm muối giúp món ăn đậm đà hơn. Bạn cũng có thể cho bé ăn cháo tới khi bệnh khỏi hẳn.
Dung dịch đường muối
Khi bị tiêu chảy, nước và muối sẽ cùng lúc thoát ra khỏi cơ thể mà không được kiểm soát. Để bù lại lượng muối và nước đã mất đi, các mẹ nên cho bé uống trực tiếp dung dịch đường muối.
Cách làm
Đun sôi một lít nước rồi để nguội. Sau đó hòa tan một muỗng cà phê muối và tám muỗng cà phê đường vào nồi nước vừa đun. Bạn cũng có thể thêm chanh vào dung dịch vừa pha nhằm bổ sung kali cho cơ thể bé.
Khoai tây luộc
Bên cạnh việc bù nước cho cơ thể, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho bé mỗi lần bị tiêu chảy. Khoai tây luộc chính là lựa chọn phù hợp nhất trong trường hợp này. Vì trong khoai tây có chứa rất nhiều tinh bột, vừa có tác dụng cung cấp dưỡng chất, vừa chặn đứng quá trình tiêu chảy của bé.
 - 1
Cách làm
Luộc chín một hoặc hai củ khoai tây sau đó bóc vỏ và nghiền nát chúng. Để tăng cường dưỡng chất và giúp bé dễ ăn hơn, các mẹ có thể thêm ít nước và muối. Đây được xem là hỗn hợp dưỡng chất thần kỳ giúp chặn đứng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
Nước mù tạt
Với các bé, đây có thể là phương pháp khó thực hiện. Bởi nước mù tạt rất khó uống. Tuy nhiên, nếu các mẹ thuyết phục được bé uống loại nước này thì bệnh tiêu chảy xem như được khống chế. Vì mù tạt có có đặc tính chống viêm, giúp làm dịu dạ dày và chống lại nhiễm trùng.
Cách làm
Rang một vài muỗng mù tạt trong chảo cho tới khi hạt mù tạt bắt đầu nổ bung, đổ nước vào và bắt đầu đun sôi. Bạn có thể để hỗn hợp này sôi trong vòng 5 đến 10 phút rồi chắt lấy nước và để nguội. Trước khi cho bé uống, các mẹ nên cho thêm vài giọt mật ong. Dung dịch mật ong mù tạt sẽ giúp cơ thẻ bé hấp thụ dưỡng chất nhanh hơn.
Nước gừng
Gừng là loại thực phẩm có tính kháng khuẩn, giúp chữa lành bệnh nhiễm trùng bên trong cơ thể. Đây cũng là lý do khiến nước gừng trở thành phương thuốc hiệu quả trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em.
Cách làm
Đập dập thân cây gừng sau đó đun sôi trong khoảng 500 ml nước. Để đạt hiệu quả cao nhất, các mẹ nên để dung dịch nước gừng nguội, sau đó thêm vào vài giọt mật ong trước khi cho bé uống.
Trà thảo mộc
Trà thảo mộc được nhiều người biết đến như một loại thần dược giúp ngăn chặn bệnh tiêu chảy ở cả trẻ em và người lớn. Các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, bạc hà, gừng đều có đặc tính chống viêm, giúp chống tiêu chảy và nhiễm khuẩn dạ dày. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng muốn uống trà thảo mộc. Vì thế, các mẹ cần biết cách pha trà hợp với sở thích của trẻ nhỏ.
Cách làm
Lấy hoa và lá của các loại thảo được như hoa cúc, bạc hà rồi đun sôi trong khoảng 500 ml nước. Trước khi cho các bé uống nên để dung dịch nguội và thêm vào vài giọt mật ong.
Nước chanh
Để chữa trị tiêu chảy cho bé, hãy cho bé uống một cốc nước ép chanh. Nước chanh có thể giúp giảm bớt các triệu chứng tiêu chảy bằng cách trung hòa axit trong dạ dày và chống nhiễm khuẩn. Vì thế chúng ta nên uống một ly nước chanh hàng ngày để giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.
Nước dừa
Đây là phương thuốc tuyệt vời nhằm giúp con bạn bổ sung muối, các chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất đã bị mất.
Sữa chua và bơ
Các vi khuẩn có lợi trong bơ và sữa chua giúp làm dịu các lớp bên trong của dạ dày, chống lại nhiễm trùng và tiêu chảy.

THỰC PHẨM VÀNG CHO BÉ ĂN DẶM

6 tháng - thời điểm bé không chỉ đơn giản là nằm một chỗ và lẫy mà bắt đầu có những vận động "phức tạp"hơn: bò, trườn,… Lúc này, sữa mẹ không chỉ là món ăn duy nhất, bé cần tập làm quen với những bữa ăn dặm.

1. Khoai lang

Khoai lang là loại củ an toàn cho bữa ăn dặm của bé, giúp bé tiêu hóa tốt thức ăn hơn. Loại củ này có chứa nhiều tinh bột, acid amin, beta caroten, vitamin C, vitamin B1, canxi, kẽm, sắt, magie, natri, kali,…
Khoai lang chứa rất ít chất béo và không có cholesterol. Vị ngon ngọt, thanh mát của loại củ này sẽ khiến bé thích thú hơn với bữa ăn dặm.


2. Cà rốt

Cà rốt chứa nguồn beta caroten, vitamin A, khoáng chất, chất xơ vô cùng dồi dào, điều này rất có lợi cho thị giác, tim mạch của bé. Đây là một trong những thực phẩm dễ kết hợp nên bạn có thể tùy ý sáng tạo thực đơn ăn dặm cho con bằng cách luộc, hấp với thực đơn ăn dặm.


Mặc dù cà rốt rất tốt cho sức khỏe của bé, tuy nhiên các mẹ không nên quá lạm dụng. Cho con uống hay ăn nhiều cà rốt và cà chua cũng không tốt. Ăn nhiều cà rốt có thể khiến bé bị thiếu máu, do đó bé dễ mắc bệnh vàng da, chán ăn, tâm thần bất ổn, bồn chồn và khó ngủ. Thậm chí, ban đêm bé còn hay giật mình, sợ hãi, khóc và nhiều triệu chứng nữa.

Các chuyên gia cho rằng nên bổ sung lượng cà rốt hợp lý. Chỉ nên cho trẻ ăn cà rốt 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30-50g. Ăn như vậy mới có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào gây ung thư.

3. Cà chua

Cà chua là loại quả giàu vitamin, chất xơ và chất chống ôxy hóa, đây được cho là thực phẩm an toàn, lợi ích cho bữa ăn dặm của bé. Cà chua có tác dụng giải độc, tái sinh tế bào, phát triển hệ thống thần kinh, tránh cảm cúm, bảo vệ da cho bé. Bạn có thể xay nhỏ cà chua nấu cùng với bữa ăn dặm của con. Các mẹ cũng cần lưu ý cân đối lượng cà chua vừa phải trong chế độ ăn dặm của con nhé!

4. Bí đỏ
Bí đỏ có chứa một lượng lớn vitamin A, vitamin C, kaly, magie, sắt, chất xơ… rất tốt cho máu, thị giác của bé. Đây là thực phẩm nên cho bé làm quen khi ăn dặm. Có thể nấu nhừ, dầm nhuyễn bí đỏ để nấu cháo cho bé ăn.

Cũng như cà rốt, mẹ chỉ nên cho bé ăn bí đỏ 1-2 lần/ tuần thôi nhé kẻo bé bị vàng da đấy.

5. Quả bơ

Các chất dinh dưỡng, vitamin (chất xơ, chất béo bão hòa, kali, carbohydrate, protein, vitamin E, vitamin B2, vitamin B6, vitamin C…) có trong quả bơ rất có lợi cho sự phát triển ở bé. Đặc biệt, vitamin B tổng hợp trong trái bơ có tác dụng tăng cường trí nhớ vì thế đây là một nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, khổng lồ cho sự phát triển trí não của trẻ em.

Thêm vào đó, trái cây này được xem là một trong những loại quả tốt nhất dành cho thời kỳ ăn dặm. Từ bơ bạn có thể làm nhiều món cho bé thưởng thức: nạo thành những miếng nhỏ giúp bé nhâm nhi, hoặc nấu cùng cháo cũng khiến mùi vị thêm đậm đà, ngầy ngậy, bé ăn ngon miệng hơn.

6. Thịt gà

Thịt gà chứa nhiều protein và chất sắt, đây là nguồn dinh dưỡng chất lượng dành cho bé đặc biệt trong thời kỳ ăn dặm. Phần ức và phần lườn của gà giàu protein, ít chất béo, phần đùi gà chứa nhiều sắt và có hàm lượng chất béo cao. Thịt gà dễ tiêu hóa nhất trong số các loại thịt, được xếp vào danh sách "thịt trắng", và ""thịt trắng" dễ hấp thụ hơn "thịt đỏ" (thịt bò, thịt lợn).

7. Cá

Cá chứa nhiều nhóm axit amin, nguồn Omega 3 tuyệt vời cho sức khỏe mà cơ thể trẻ sơ sinh đang phát triển rất cần. Các Omega 3 trong cá có tác dụng cực tốt đến sự phát triển của não bộ, trí thông minh và mắt của trẻ.

Đặc biệt cá hồi cung cấp một nguồn chất béo cần thiết hỗ trợ chức năng của não bộ và hệ thống miễn dịch.